Keo kiệt với chính mình, hào phóng với mọi người



TLYT - Tiêu đề trên được rút từ bài viết “Cho đi để nhận lại sự thanh thản trong cuộc đời” của tác giả Duy Bùi trên trang (phatgiao.org.vn) mới đây. Tác giả đề cập về Ông tỷ phú người Mỹ “keo kiệt với bản thân”. Vậy ông ta keo kiệt như thế nào, đáng yêu hay đáng ghét? Cũng theo mạch chuyện này là chuyện vừa xảy ra trong mùa chống dịch Covid-19 một vị Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) chắc nhiều công dân mạng đã biết.

Diễn biến dịch còn phức tạp, trong thời gian cách ly hữu ích chúng ta cùng suy ngẫm về một ông tỷ phú người Mỹ “keo kiệt” với một vị Phó giáo sư, tiến sĩ y khoa của chúng ta xử thế trong mùa dịch nóng bỏng này.

Nhìn bề ngoài Chuck Feeney, người ta nghĩ ông lão có vẻ nghèo khó và keo kiệt, nhưng việc ông làm lại khiến ông trở thành “mẫu người” cho các phú hào như Bill Gates và Buffett chịu ảnh hưởng.

Khi tôi viết những dòng này về ông, thì ông đã bước qua cái tuổi 80, ông ở cùng vợ trong một căn hộ cho thuê ở thành phố San Francisco Mỹ. Ông chưa từng mặc qua quần áo hàng hiệu, kính mắt rất cũ kỹ, đồng hồ đeo tay giá 15 đô la.

 
Tỷ phú Chuck Feeney 
 

Ông không thích món ăn ngon, thích nhất là sữa hâm nóng và bánh sandwich cà chua giá rẻ. ông không có ô tô riêng, ra ngoài thường đi xe buýt, túi xách mà ông từng dùng đi làm là túi vải. Nếu ông cùng ai đó đến một quán rượu nhỏ uống bia, ông nhất định sẽ cẩn thận kiểm tra đối chiếu hóa đơn. Với sự khắc kỷ (tiết kiệm) nêu trên ai cũng cho ông là một ông già keo kiệt nghèo khó. Nhưng ít ai biết rằng ông đã làm những việc mà ít người làm được: Ông đã từng cống hiến cho đại học Comell 588 triệu đô la Mỹ, cho đại học California 125 triệu đô la, cho đại học Stanford  60 triệu đô la Mỹ. Ông từng bỏ vốn 1 tỷ đô la cho cải tạo và xây mới 7 trường đại học khác ở Mỹ. Và ở Việt Nam - Trường Đại học Đà Nẵng cũng có sự  đầu tư của quỹ từ thiện này. Ông là người sáng lập Tập đoàn được miễn thuế toàn cầu DFS. Keo kiệt với mình, hào phóng với mọi người, “thích kiếm tiền lại không thích tiêu tiền” ông là tỷ phú Chuck Feeney.

Ông tâm nguyện, trước năm 2016 sẽ quyên hết (4 tỷ đô la Mỹ) còn lại của mình, nếu không, chết không nhắm mắt.

Một tỷ phú keo kiệt sao lại có hành động như thế? Trong tâm chúng ta ai cũng ghi vấn: làm sao ông ta có thể dửng dưng trước một gia tài hàng tỷ USD kia chứ?

Đối lại với nghi vấn của mọi người, ông Chuck Feeney chỉ mỉm cười kể câu chuyện:  “Một con hồ ly thấy bồ đào trong vườn kết trái đầy, muốn vào trong ăn một chầu cho no bụng, nhưng giờ nó mập quá, không chui vào được. Thế là ba ngày ba đêm nó không ăn không uống để thân thể gầy xuống; cuối cùng cũng chui vào được! Ăn no nê xong, cảm thấy thỏa mãn, nhưng khi nó muốn rời đi, lại không chui ra được. Bất đắc dĩ đành phải giở trò cũ, lại ba ngày, ba đêm không ăn uống. Kết quả, lúc nó đi ra, bụng vẫn giống như lúc đi vào”.

Kể xong chuyện, Chuck Feeney hóm hỉnh nói: “Chỗ của Thượng đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng đã đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm ở đời”.

Giới truyền thông thấy lạ và không khỏi nghi vấn hỏi Chuck Feeney: vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình? Câu trả lời của ông đơn giản và ngoài dự đoán của mọi người khi ông nói: “Bởi tấm vải che tử thi không có túi”.

Họ tên của ông Charles Franis Chuck Feeney (sinh ngày 23/4/1931) là nhà tỷ phú và là nhà từ thiện người Mỹ gốc lreland. Trong suốt cuộc đời mình, Feeney đã sử dụng số tiền hơn 8 tỷ đô la Mỹ để làm từ thiện, hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và nghiên cứu khoa học.

Khối tài sản lớn cuối cùng được Chuck Feeney quyên tặng vào cuối năm ngoái. Quỹ của ông đóng góp cả 5 châu. Từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Quỹ của tỷ phú Chuck Feeniy cũng đã đóng góp vào sự hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam.

 

Giàu có không lộ diện, nhiều tiền không tiêu sang, làm từ thiện không cần ghi danh; ông thường nhắc với những người hưởng lợi từ thiện của mình là không nên nhắc tới quỹ của ông. Nhưng những việc làm của ông được cả thế giới biết đến. Với những hành động cao thượng đó, Chuck Feeney là động lực cho nhiều người, là nguồn cảm hứng cho nhiều tỷ phú khác trên thế giới  cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện như Bill Gates và Warren Buffett.

Lời bàn

Sống “thiểu dục tri túc” với bản thân của một tỷ phú thật khó! Bởi vì ai cũng muốn hưởng thụ. Nhưng ông tỷ phú này đã quyên 8 tỷ đô la Mỹ cho việc từ thiện; nhiều người phàm nghĩ cho ông là “dở hơi”, bởi câu nói của ông “tấm vải che tử thi không có túi” tức ông nói về cái chết!

Thói đời thì ai cũng nghĩ chết là ‘hết’! Chết là trắng tay nên gia sức thụ hưởng. Thụ hưởng cái của mình làm ra thì đã đành. Đằng này lại thụ hưởng bằng việc vơ vét của người khác (của tập thể, của công, của nhân dân, đồng bào) hàng tỷ tỷ đồng rồi “khai khống chụp giật” thông qua tiền bạc của nhà nước, của dân đóng góp mua thiết bị cho việc chống dịch Covid- 19 như ông Giám đốc (CDC) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và các đồng phạm thì thật là xấu hổ! Xấu hổ với chức vị Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ y khoa, với câu “Lương y như từ mẫu”.

Hai câu chuyện: 1- Tỷ phú Chuck Feeniy người Mỹ, với sự tiết chế chi tiêu cho bản thân để làm việc nghĩa, việc thiện như pháp  Phật nói: “Thí mà chẳng thí mới thực là thí”! Còn ông giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC-Hà Nội, Dịch covid-19 đang hoành hành dữ dội kinh hoàng, chính ông là người dẫn đầu việc này mà lại đang tâm lừa dối lấy tiền chênh lệch gấp nhiều lần thông qua việc mua máy móc y tế chống dịch để bỏ tiền túi hàng tỷ đồng. Hai việc làm: Ai là Bồ-tát thị hiện bi mẫn đây; ai là quỷ ma trong pháp nạn đây?

Cách ly để ta suy ngẫm sâu hơn về việc thiện ác, sinh tử và nhân quả luân hồi theo giáo lý nhà Phật - Nhân mùa Phật Đản đáng ghi nhớ này.

Nguyễn Đức Sinh

 

 

 

 

 

 

 


Tin cùng chuyên mục