Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Việt Nam rất tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo



TLYT - Khẳng định Việt Nam là nước tự do tôn giáo, Tiến sĩ Phật học, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cũng đồng thời nhấn mạnh thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế. Quan trọng hơn, điều này cho thấy niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

Phật giáo VN luôn đồng hành cùng dân tộc

+ Trên cương vị Trưởng Ban Giáo dục Tăng, Ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, tại Hà Nội, Hòa thượng có những đánh giá như thế nào về chặng đường phát triển của GHPGVN?

– Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển (từ năm 1981), GHPGVN đã thực hiện được một công việc rất lớn trong lịch sử GHPGVN đó là hợp nhất các tổ chức giáo hội trong cả nước. Đây là nét khác biệt của GHPGVN với các giáo hội Phật giáo trên thế giới.

Sau khi thành lập, Giáo hội đã đạt được những thành quả lớn trong công tác giáo dục, đào tạo Tăng, Ni; đào tạo những người có đức, có tài, có tinh thần hòa hợp dân tộc, hòa hợp tôn giáo để phục vụ đất nước. Đến nay, cả nước có 4 Học viện Phật giáo, đào tạo hàng chục ngàn Tăng, Ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học và hàng trăm cơ sở đào tạo từ cao đẳng đến sơ cấp Phật học cho các Tăng, Ni. Hoạt động truyền bá đạo Phật đã được thực hiện tự do, rộng rãi đến khắp các vùng với khắp các đối tượng người dân cả nước.

Học viện PGVN tại Hà Nội-một trong 4 HV lớn của cả nước đào tạo tăng tài

Với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, các Tăng, Ni, Phật tử luôn gắn liền với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội. Qua đó, đã xuất hiện những tấm gương người tốt, việc tốt của Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước, được Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh như cố Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thuận Đức, cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ; Huân chương Độc lập như Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ…

+ Bạch Hòa thượng , tôn chỉ của Phật giáo Việt Nam là “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”. Điều này được Giáo hội thể hiện như thế nào trong việc lãnh đạo, điều hành các Tỉnh hội, Thành hội trong cả nước để đạo và đời luôn luôn song hành với nhau?

– Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Kể từ khi thành lập, GHPGVN đã thực hiện đúng tôn chỉ “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”. Ý tưởng này đã có từ thời Lý, Trần, đặc biệt là vua Trần Nhân Tông – người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo pháp – dân tộc, người vừa là Vua của dân tộc, nhưng cũng vừa là Phật của Phật giáo. Người giữ 2 trọng trách lớn nhất của thời đại.

Kế thừa và phát huy tinh thần đó, GHPGVN đã hòa nhập một cách mạnh mẽ trong mọi phong trào. Cụ thể, các tổ chức, đoàn thể có phong trào gì, khi cần thiết là Giáo hội hòa nhập cùng tham gia, giải quyết, kể cả những cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược. Ngay như cuộc chiến tranh chống Iraq, Nhà nước thấy cuộc chiến tranh này là phi nghĩa, Tăng, Ni đã lên tiếng phản đối và tham gia vào các phong trào phản đối chiến tranh.

Tôn chỉ “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội” được GHPGVN thể hiện rõ trong công tác từ thiện, nhân đạo, cùng với các tổ chức xã hội tham gia vào các phong trào như: “Nếp sống văn hóa”; “Xây dựng gia đình văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Nối vòng tay lớn”… Từ các phong trào đã xuất hiện nhiều vị Tăng, Ni tiêu biểu như đi dạy cho các trường mồ côi, thuyết giảng đạo lý cho các phạm nhân trong tù, giúp đỡ bồi dưỡng kiến thức cho học sinh nghèo…

Những đóng góp không nhỏ của Tăng, Ni được nhân dân tin tưởng, Nhà nước tín nhiệm nên họ đã được tham gia vào các vị trí ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội. Từ đó, có những tiếng nói mang tính chất tập thể, mang tính đại diện cao hơn, giúp cho Đảng và Nhà nước có những hoạch định, chính sách, đường lối hợp lòng dân.

GHPGVN đã góp phần cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm thất bại những âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch từ nước ngoài. Đồng thời, có nhiều hoạt động xã hội hết sức thiết thực đối với đời sống người dân như ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai; xây dựng nhà đại đoàn kết; các chương trình thiện nguyện khác.

Như phóng viên thấy đấy, ảnh hưởng của đại dịch Covid19 khiến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp hết sức khó khăn. GHPGVN và phật giáo các cấp đã ủng hộ hàng tỷ đồng vào Quỹ Vaccine phòng chống Covid 19; hàng trăm, hàng ngàn tấn gạo, nhu yếu phẩm đã được các chùa, cơ sỏ tự viện trên cả nước ủng hộ đến các điểm tuyến đầu chống dịch. Chỉ tính riêng Giáo hội phật giáo Quảng Ninh, trong vòng 2 tuần đã ủng hộ gân 1 tỷ đồng vào quỹ văccine covid19 và trên 600 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết cho bà con nghèo, khó khăn trên địa bàn của các huyện, thành thị. Riêng 5 năm qua, số tiền mà ban trị sự tỉnh đã quyên góp được hơn 21 tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện đã minh chứng cho sự đồng hành cùng dân tộc, đất nước của Phật giáo Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung…

GHPGVN trao số tiền 3,5 tỷ đồng ủng hộ quỹ Vaccine phòng covid19

Thành quả tốt đẹp của những hoạt động phụng đạo yêu nước của Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định xã hội, xây dựng kinh tế, đồng thời khẳng định niềm tin của Phật giáo Việt Nam vào chế độ xã hội chủ nghĩa.

GHPG Quảng Ninh nhận bằng khen của MTTQ tỉnh về công tác thiện nguyện

+ Vừa là người giữ trọng trách lớn của Trung ương GHPGVN, vừa là đại biểu Quốc hội, Thượng tọa đã có những hành động cụ thể gì để kết hợp hài hòa giữa lợi ích tôn giáo và lợi ích dân tộc?

– Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Là đại biểu Quốc hội, tôi quan tâm nhiều đến vấn đề giáo dục đạo đức, an sinh xã hội. Tôi thấy, cần có những tiếng nói, góp ý cho Quốc hội về vấn đề giáo dục, bởi hiện nay việc tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường còn hạn chế. Thậm chí, lối sống của một bộ phận giáo viên và học sinh đáng báo động nên dẫn đến các hành vi tội phạm, tệ nạn xã hội đáng lên án. Tôi luôn trăn trở về những vấn đề này, trong khi đó, chỉ riêng ngành Giáo dục sẽ không giải quyết được.

Tôi thấy, GHPGVN cần có sự phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc các cấp để vận động, tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân quan tâm nhiều hơn nữa đến con em họ, gia đình mình. Bởi chỉ có gia đình ấm no, hạnh phúc thì xã hội mới phát triển bền vững.

+ Hiện nay, các thế lực thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm phá hoại các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Giới chức tôn giáo như HT đã tuyên truyền, giải thích cho người dân, các Phật tử về chính sách tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta như thế nào?

– Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Mỗi người dân Việt Nam có quyền được theo tôn giáo và không theo tôn giáo. Đó là điều pháp luật đã khẳng định.

Tôi thấy, ở nước ta, tín ngưỡng, tôn giáo rất được tự do, tự do đến mức độ được tôn trọng. So với các nước trong khu vực, tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam ít nhất là không kém, thậm chí còn nhiều mặt cao hơn và thể hiện rõ nhất niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước.

Mặc dù, vẫn còn một số người có ý nọ, ý kia, hay có những ý kiến phản đối, đó là do người ta chưa hiểu hết thực tế tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Bởi, nếu được chứng kiến những dịp Tết, lễ hội thì họ sẽ hiểu khác.

Tôi đã được đi một số nước Phật giáo trong khu vực, tôi khẳng định, Nhà nước Việt Nam rất tôn trọng tự do, tín ngưỡng và người dân cũng được thể hiện một cách toại tâm, toại nguyện tín ngưỡng của mình

Đến, chùa Xã Tắc, Móng Cái, Quảng Ninh- Cột mốc tâm linh nơi địa đầu Tổ quốc do Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh xây dựng

Yên Tử xứng tầm di sản thế giới

Chùa Đồng, Yên Tử
Mắt Rồng, Yên Tử
Tháp Hoa Yên, Yên Tử

+ Thưa Hòa thượng, Danh thắng Yên Tử là trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam, được coi là khởi nguồn của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày nay, trước xu hướng hiện đại hóa Phật giáo, dòng Thiền này có sự thay đổi như thế nào để vừa thu hút tín đồ, vừa bảo đảm tôn chỉ tư tưởng ban đầu của Trúc Lâm Tam Tổ?

– Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Khác với các Thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Đại Việt mang đậm tinh thần nhập thế. Điều đó cho thấy, đạo Phật không phải là đạo yếm thế, mà muốn tìm con đường giác ngộ không thể từ bỏ thế gian này mà giác ngộ được. Với tinh thần Bồ Tát đạo, người con Phật càng phải dấn thân vào cuộc sống, đồng cam cộng khổ với chúng sinh, vui với niềm vui của đất nước, đau với nỗi đau của dân tộc, nhưng khi thanh bình thì vẫn trở về với cuộc sống tu hành thoát tục. Chính Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một Thiền phái mang những đặc điểm ấy.

Yên Tử là nơi phát tích Thiền phái Trúc Lâm, cũng là nơi phát tích ra tư tưởng của đạo pháp – dân tộc do Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị lãnh tụ tinh thần. Cho nên, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh, GHPGVN, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đang tập trung mọi nguồn lực, công sức phấn đấu để Yên Tử trở thành di sản thế giới để khẳng định khu Danh thắng này xứng tầm quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Hoà thượng!

Nguyên Hương


Tin cùng chuyên mục