Chùa Vân Tiêu (Yên Tử) – am mây lưu mãi dấu thiền



Ở Yên Tử đã nhiều năm và lên núi rất nhiều lần nhưng tôi lại rất ít lên chùa Vân Tiêu. Lần nào lên núi hầu như đều vì công việc của chùa, thỉnh thoảng mới đi một mình để thưởng thức cảnh núi rừng và ngồi thật bình lặng bên hiên chùa ngắm nhìn bức tranh hiện hữu và dòng sông tâm thức đang trôi chảy. Hơn nữa, từ chùa Hoa Yên (ngôi chùa chính trong hệ thống chùa – tháp tại Yên Tử) muốn lên được Vân Tiêu phải leo bộ một chặng đường khá dài chứ không thể ỷ lại vào cáp treo.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Huynh đệ tôi đều rất ý thức ở yên, không đi đâu khỏi Yên Tử, chuyên tâm công khóa để góp chút năng lượng an lành cầu nguyện cho dịch bệnh sớm tiêu trừ. Một ngày chớm Thu, sau thời công phu sáng, tôi mở Tam tổ thực lục đọc, đến trang sách nói về việc Trúc Lâm Điều Ngự giảng Truyền đăng lục cho Pháp Loa ở Am Tử Tiêu, trong lòng bất chợt muốn lên nơi ấy để cảm nhận lại không gian xưa, nơi gót chân chư Tổ còn in dấu, nhưng hiện nay rất ít người biết đến. Một mình thong thả từng bước xuyên qua những tán cây rừng, qua từng con suối nhỏ, từng bậc đá rêu phong, tôi lên chùa Vân Tiêu sau khoảng 3 tiếng leo bộ.

Cảnh sắc Yên Tử

Chùa Vân Tiêu có lịch sử đã hơn 700 năm. Xưa kia, chùa chỉ là một am thất nhỏ và có tên là Am Tử Tiêu. Theo Tam tổ thực lục, năm Mậu Thân (1308), sau mùa An cư kết hạ, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã vào núi Yên Tử, lên ở Am Tử Tiêu, giảng Truyền đăng lục cho Pháp Loa. Đây là một pho Thiền sử đồ sộ và rất quan trọng để nghiên cứu Thiền tông nói chung và Thiền tông Trung Hoa nói riêng. Các Thị giả của Ngài dần xuống núi hết, chỉ còn lại một vị đệ tử Bảo Sái theo hầu bên cạnh. Sau khi Điều Ngự thị tịch, Đệ nhị tổ Pháp Loa đã cho xây dựng nơi đây thành chùa lớn. Trải qua gần 800 năm, chùa cũng đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Bia đá còn lại của chùa (Lê triều… Vân Tiêu tự san bi – 黎朝 […] 雲霄寺刊碑) dù đã bị vỡ đôi song vẫn cho ta biết chùa từng được trùng tu vào thời Lê. Sau thời gian dài bị đổ nát, ngôi chánh điện của chùa được trùng tu lại vào năm 2001.

Về vị trí, chùa Vân Tiêu nằm ở sườn phía Đông của dãy núi Yên Tử, ở độ cao khoảng 724m so với mực nước biển, dãy núi như tường thành chắn ngang luồng gió biển thổi vào, hơi nước ngưng đọng lại thành tầng tầng, lớp lớp mây bao phủ, nhè nhẹ trôi. Ngôi chùa tựa lưng vào sườn núi Yên Tử, tầm nhìn phía trước phong quang, có thể nhìn ra khắp vùng Uông Bí, xa xa là dòng sông Bạch Đằng uốn lượn, ngôi chùa dường như lúc ẩn, lúc hiện trong những tầng mây. Tôi nhớ lại, có những ngày mây giăng phủ, ngồi cáp treo từ ga 3 lên ga 4, cố để nhìn xuống chùa Vân Tiêu và chùa Bảo Sái nhưng chỉ thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng mái chùa và vườn tháp. Những ngày hè khi cơn mưa vừa qua, nắng hửng lên thì Yên Tử ngập trong biển mây và từ trên cao nhìn xuống, Vân Tiêu lúc ấy ẩn hiện tựa như đang lơ lửng giữa các tầng trời.

Chùa Vân Tiêu được cây cối bao phủ và xanh tốt quanh năm. Leo qua khu vườn tháp, tôi vào lễ Phật, lễ Tổ và ngắm nhìn tượng Phật hoàng trên ban Tam bảo, bên cạnh là vị Thị giả Bảo Sái. Pho tượng được tạc để gợi nhớ lại thuở xưa Phật hoàng từng tu tập, giảng đạo tại nơi này, lúc nào cũng có Bảo Sái theo hầu bên cạnh. Thế rồi tôi bất chợt hình dung ra cảnh Phật hoàng đang ung dung ngồi đó, tay cầm quyển Thiền sử và giảng cho các học trò.

Chùa Vân Tiêu hiện tại không có nhà thờ Tổ riêng, mà thờ tự chung vào một ngôi Chính điện có kết cấu hình chữ Đinh, diện tích 121m2, kiến trúc bằng bê tông cốt thép giả gỗ, gồm 3 gian, 2 chái, gồm Tiền đường và Hậu cung. Tường xây gạch đỏ không trát vữa, mái lợp ngói mũi hài kép. Bò nóc, bò mái đắp vữa xi măng và không trang trí. Hai đầu nóc là hai con rồng ngậm đầu nóc, đuôi tựa vào đá vuông giật cấp thót dưới. Ở giữa nóc là bức Đại tự bằng chữ Hán “雲霄寺 – Vân Tiêu Tự”, nghĩa là chùa Vân Tiêu và cũng có nghĩa là chùa trong mây. Đầu đao mái hình rồng phượng uốn cong mềm mại, uyển chuyển, hai hồi đắp hình hổ phù. Cửa chùa được làm bằng gỗ lim, kết cấu khung, cánh và bức bàn được chạm trổ họa tiết hoa văn Tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), hình rùa và hình hoa sen.

Tiền đường bên trái thờ Đức Ông, hai Thị giả và Hộ pháp Khuyến Thiện; bên phải thờ Đức Thánh Hiền, hai Thị giả và Hộ pháp Trừng Ác. Hậu cung có ba cấp: trên cùng thờ Đức Phật Thích Ca, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền; cấp thứ hai thờ Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn và Thị giả Bảo Sái; cấp thứ ba là tòa Cửu Long. Bên trái Hậu cung thờ Tam Tổ Trúc Lâm; bên phải thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề.

 

Trước chùa là khu vườn tháp vẫn còn nguyên vẹn vẻ cổ kính có tên là Vọng Tiên Cung (望仙宮). Vườn tháp nằm ở đỉnh của một chóp núi tựa như viên ngọc trên nhánh núi chính giữa là long mạch của dãy Yên Tử. Tương truyền rằng, đây là nơi Quốc sư Viên Chứng đã hóa thân vào cõi Niết bàn. Quốc sư Viên Chứng xưa kia đã đào tạo nên Hoàng đế thiền sư Trần Thái Tông viên dung cả đạo và đời bằng những lời dạy nổi tiếng còn được ghi lại trong Thiền tông chỉ nam tự: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lại và trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật” [1], “Phàm làm đấng quân vương, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình” [2].

Vườn tháp gồm 6 ngọn xây bằng đá và gạch. Trong đó, ngọn tháp chính giữa cao 9 tầng gọi là Cửu Trùng Đài được xây vào thời Nguyễn, toàn bộ bằng đá núi với hình lăng trụ bát giác, tám mặt tháp tượng trưng cho giáo lý giải thoát căn bản của Phật giáo đó là Bát chính đạo. Đỉnh tháp hình búp sen, cửa tháp quay về hướng Nam với kiến trúc bề thế, hài hòa, đường nét thanh thoát. Đây không phải là ngôi tháp thờ riêng một vị Tổ sư nào mà một ngôi tháp thờ phụng chung cho tất cả chư liệt vị tiền tổ từng tu hành ở đây.

Vườn tháp Vọng Tiên Cung

Hai bên lối vào vườn tháp có hai cây tùng quanh năm xanh tốt, cành lá sum suê, hiên ngang sừng sững tỏa bóng mát cho những ngôi tháp cổ. Năm ngôi tháp còn lại nhỏ bé, khiêm cung hơn đứng bên ngôi tháp chính. Trong đó, có một tháp thờ thiền sư Tuệ Hải, một tháp thờ Hòa thượng Đại Giác Tuệ trước đây từng tu ở chùa Long Động (chùa Lân) dưới chân núi Yên Tử, sau đó Ngài lên tu tập ở chùa Vân Tiêu và viên tịch tại đây. Các tháp còn lại không còn thông tin người được thờ, kiến trúc các ngôi tháp này đều mang phong cách cuối thời Lê.

Thắp nén hương nơi các ngôi tháp Tổ và ngồi lặng yên dưới gốc cây tùng trong vườn tháp, tôi cảm nhận được năng lượng bình an từ chư Tổ nhiều đời đã tu trì nơi đây và chẳng còn chút mệt nhọc nào dù đã leo bộ hơn 3 tiếng đồng hồ. Trong chùa, người huynh đệ của tôi một mình tu tập ở đây, hơn nửa năm chưa xuống núi đã bắt đầu thời công phu thứ hai trong ngày. Tiếng chuông, nhịp mõ hòa âm cùng tiếng gió, tiếng suối chảy, tiếng côn trùng và những thanh âm của núi rừng linh thiêng, kỳ vĩ. Tôi lắng lòng trở về hơi thở theo từng tiếng mõ thong thả, trầm ấm và thầm nguyện cầu chư Tổ gia hộ cho người dân được bình an, nước Việt sớm vượt qua đại dịch.

Vân Tiêu – ngôi chùa nhỏ xinh ẩn hiện trong những tầng mây và những tán cây rừng đã từng gắn bó với nhiều vị Tổ sư lừng danh của nước Việt như Quốc sư Viên Chứng, Trúc Lâm Sơ tổ Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa… Nơi đây quả thực phù hợp cho những ai ưa sống đời thanh tĩnh:

Khuất tịch non cao
Náu mình sơn dã
Vượn mừng hủ hỷ
Làm bạn cùng ta
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa
Thờ phụng Bụt Trời
Đêm ngày hương hoả.
Tụng kinh niệm Bụt,
Chúc Thánh khẩn cầu…”. [3]

Trải qua, bảy đến tám trăm năm, dấu thiền vẫn mãi nơi đây, đuốc tuệ vẫn khơi muôn thuở, am mây xưa ấy nghìn năm vẫn lặng lẽ hát khúc vô sinh…

Thích Nữ Mai Anh

Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 376. 
 

Chú thích:

[1] 山本無佛,唯存乎心,心寂而知,是名真佛。Thơ văn Lý Trần, Nxb. Khoa học Xã hội, 1978, tr.25.
[2] 凡為人君者,以天下之欲爲欲,以天下之心爲心。Thơ văn Lý Trần, Sđd, tr.25.
[3] Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Huệ Chi phiên âm từ chữ Nôm.