TT. Thích Đạo Hiển tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo Khoa học nhân 75 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc



TLYT – Sáng ngày 30/7/2020 (tức ngày 10/6/Canh Tý), nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân Việt Nam và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “75 năm Công an Nhân dân xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (19/8/1945-19/8/2020) và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005-19/8/2020)” do Bộ Công an tổ chức.

 

Tham dự và chủ trì hội thảo có ông Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Đại tướng, GS. TS. Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội trung ương, các tướng lĩnh lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, các nhà khoa học.

Thay mặt các chức sắc và tín đồ Phật giáo, Thượng tọa Thích Đạo Hiển (Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh) đã tham dự Hội thảo và trình bày tham luận với đề tài “Hình ảnh và vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong lòng Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh”.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển trình bày tham luận  

Trong bài tham luận, Thượng tọa Thích Đạo Hiển đã khái quát một số thành tựu nổi bật của Phật giáo Quảng Ninh trong 20 năm qua, đặc biệt là sự tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của Tăng Ni, Phật tử: “Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh nhận thức rằng: tổ quốc có hòa bình, độc lập thì tôn giáo mới có tự do và xã hội có an ninh trật tự thì mọi người mới có thể an tâm tu đạo. Vì vậy trong hơn 20 năm qua, Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn Quảng Ninh đã rất tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình hay, đẹp và hiệu quả trong Phật giáo như: phong trào gắn kết lễ hội với công tác tuyên truyền an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội tại Uông Bí; phong trào Tăng Ni, Phật tử tự giác, tự quản tại thị xã Đông Triều; phong trào xây dựng chùa cảnh tinh tiến gắn với hoạt động từ thiện nhân đạo tại thị xã Quảng Yên hay Tăng Ni, Phật tử với chủ quyền biên giới, hải đảo tại thành phố Móng Cái. Thông qua các hoạt động, các phong trào này đã làm cho Tăng Ni, nhà tu hành gắn kết hơn với xã hội, phát huy vai trò, vị trí, uy tín trong cộng đồng Phật tử và nhân dân. Điều quan trọng là: Tăng Ni, Phật tử Quảng Ninh làm việc này một cách hoàn toàn tự nguyện, tự giác coi đó như cơm ăn, nước uống hàng ngày, coi đó  cũng là việc tu đạo, góp phần hộ quốc an dân.”

 

Bài tham luận cũng nhấn mạnh sự gắn kết giữa các chức sắc Phật giáo và các cán bộ chiến sĩ công an Quảng Ninh trong 20 năm qua là yếu tố quan trọng giúp cho Phật giáo Quảng Ninh ngày nay có sự đoàn kết, vững mạnh và chung tay với Đảng bộ, chính quyền thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của địa phương cũng như trong vấn đề an ninh, quốc phòng. Đồng thời tán thán việc làm và trách nhiệm của các chiên sĩ công an – cũng như những cánh tay vươn dài của Bồ Tát để giúp cho đất nước được yên bình, xã hội an toàn, ổn định:“Đạo Phật gắn liền với con người, xã hội, “Phật pháp bất ly thế gian giác” nghĩa là Phật pháp không thể tách rời thế gian mà giác ngộ. Tu là hành động, là làm tất cả mọi việc tốt đẹp cho con người, cho đất nước trong cuộc sống trần thế này, phải tạo dựng cuộc sống hạnh phúc, bình yên đó chính là cõi tịnh độ hiện tiền tại nhân gian như lời Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy:

“Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn người hỏi đến Tây phương

Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc…

Và chính việc làm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bình yên xóm làng chính cũng là người đang tu hạnh Bồ tát, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, nhân dân no ấm, hạnh phúc; tạo dựng tịnh độ, thiên đường ngay tại nhân gian này.”

 

Qua đó, tham luận đưa ra một số kiến nghị đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: “đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào có đạo; đặc biệt chú ý tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

- Anh em cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân là phải người hiểu biết sâu sắc triết lý các tôn giáo và phong tục tập quán tại địa phương, phải là những chuyên gia  dân tộc học, tôn giáo học.

- Phải gắn bó trực tiếp với cơ sở, 3 cùng với nhân dân; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là người làm dân vận khéo.

- Phải là người có tâm thật sự với các tôn giáo, mong muốn các tôn giáo phát triển đóng góp cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

- Phải gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ, tranh thủ với các chức sắc tôn giáo tiêu biểu, uy tín từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; bởi mỗi lời nói của các chức sắc tôn giáo uy tín sẽ hiệu lực hơn nhiều các phương pháp khác. Làm được như thế chắc chắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ, thành công rực rỡ.”

Bài tham luận của TT. Thích Đạo Hiển là một trong 8 bài tham luận được lựa chọn trình bày trực tiếp tại hội thảo. 
 

Xin mời đọc toàn văn bài tham luận tại đây: Toàn văn bài tham luận của TT. Thích Đạo Hiển tại Hội thảo khoa học 75 năm Công an Nhân dân xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

 M.Anh

 


Tin cùng chuyên mục