Nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu lan, nghi thức Bông hồng cài áo và cầu siêu phả độ gia tiên



TLYT - Hàng năm cứ vào độ trăng tròn tháng Bảy âm lịch, tức khoảng trung tuần tháng Tám dương lịch là đến dịp lễ Vu Lan. Vào ngày này, các chùa Việt Nam và Trung Hoa thường thiết lễ rất trọng thể và các Phật tử đến tham dự rất đông đảo để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sinh tịnh độ, tiếp đó là được nghe chư Tăng giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành.

Nguồn gốc Lễ Vu lan

Lễ Vu Lan chính thức được bắt nguồn từ một bản kinh ngắn của Phật Giáo Đại Thừa "Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn", do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn, tức khoảng năm 750-801 sau Công Nguyên và được truyền từ Trung Hoa vào Việt Nam, không rõ từ năm nào.

Chữ Vu Lan, vốn phiên âm từ tiếng Sanscrit: Ullambana, Hán dịch là giải đảo huyền, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”.
Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên là vị đệ tử thần thông đệ nhất trong giáo đoàn của Đức Phật. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Nguồn gốc của nghi thức "Bông Hồng Cài Áo"

Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức Bông hồng cài áo đó được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thầy Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.

 

Cầu siêu phả độ gia tiên và cúng chúng sinh

Rằm tháng 7 âm lịch trong tín ngưỡng của người Việt từ lâu cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh. Nhưng lễ cúng chúng sinh khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.
 
Ảnh minh họa: Internet 

Các Phật tử có lòng hiếu thảo, noi theo tấm gương Đại Hiếu Mục Kiền Liên và theo lời chỉ dạy của Đức Phật, có thể nguyện cầu cứu khổ cho ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình. Chúng ta không có thần thông, không thể biết giờ này ông bà cha mẹ, tổ tiên của chúng ta còn lưu lạc nơi đâu. Những người lúc sống biết tu tập thì được sinh về cõi Tịnh Độ, nếu làm nhiều việc thiện tạo phúc thì sinh lên cõi Trời. Còn nếu lúc sống phạm nghiệp sát sinh, vọng ngữ, uống rượu, trộm cắp v.v…thì khó có thể tránh khỏi đọa vào các cõi thấp như địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.

Vì sao phải cầu siêu?

Theo lời đức Phật dạy, có sáu nẻo luân hồi gồm: ba cõi thấp là Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh và ba cõi trên là Người, Atula và Trời. Chúng sinh trong sáu cõi này đều tuân theo quy luật của tự nhiên, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng cái chết không phải là hết, mà chỉ là sự trung gian giữa cõi sống này và cõi tiếp theo.

Tất cả chúng ta đều tin sự sống gồm hai phần: Phần thể xác là thân vật chất và phần tâm thức. Khi chết đi, phần tâm thức tách khỏi phần vật chất, xuất hẳn ra ngoài. Đến khi phần tâm thức rời đi, thân xác còn lại chỉ giống như một khúc gỗ. Phần tâm thức, mà dân gian vẫn quen gọi là phần hồn khi rời bỏ xác thân, theo quy luật và tùy vào nghiệp lực mà sẽ bị đưa đẩy, trôi lăn trong sáu đạo luân hồi.

Cõi thấp nhất là Địa ngục. Nếu khi sống tạo rất nhiều ác nghiệp, trong đời sống hàng ngày sát sinh, hại vật, tạo nghiệp bất thiện, thì sau khi chết sẽ bị đoạ xuống địa ngục để chịu vô vàn tội khổ.

Cõi thứ hai là cõi ngã quỷ, là cõi vô hình đứng thứ hai sau Địa ngục. Trước khi chết, nếu có những điều uất ức trong lòng, hoặc chết do tai nạn, chết đường, chết sông, chết suối, hoặc mắc phải trùng tang v.v…, chúng ta sẽ không siêu thoát, bị đọa vào cảnh giới của loài quỷ. Loài quỷ sống lẫn lộn với con người chúng ta. Bằng mắt phàm, chúng ta không thể nhìn thấy được, song trong cùng một thế giới này, chúng ta là thế giới có vật chất, còn loài quỷ và Địa ngục là thế giới vô hình. Loài quỷ vốn không có hình tướng và chỉ tồn tại phần tâm thức, chỉ sống với phần hồn. Tuy so với chúng sinh cõi địa ngục, ngã quỷ tự do hơn, không bị nhốt, không bị tra tấn, song họ phải sống trong cảnh đói khát, khổ sở và cô đơn. Chúng sinh sau khi chết thường trải qua 49 ngày trung ấm, cũng chỉ tồn tại dưới dạng tinh thần, không có hình tướng, giống như loài quỷ. Trạng thái này ai cũng sẽ trải qua, chính là giai đoạn sau khi rời khỏi cõi hiện tại và chuẩn bị bước vào cõi sống tiếp theo. Nhưng nếu sau 49 ngày vẫn chưa siêu thoát, vì một nguyên nhân nào đó cứ bám chấp, quanh quẩn, mắc kẹt trong trạng thái này, thì linh hồn sẽ bị đọa làm ngã quỷ. Chẳng hạn như khi chết trong lòng vẫn còn uẩn ức hay oan khúc, thí dụ những người chết vì tự tử, sẽ không thể siêu thoát và đọa vào loài quỷ. Vì thế, ở những nơi có nhiều người tự tử hay chết do tai nạn, đôi khi chúng ta cảm thấy lành lạnh, rợn người. Đó là do những linh hồn ấy vẫn vất vưởng, quanh quẩn nơi đó,có khi còn xui xiểm người khác, khiến họ bị che mờ trí tuệ dẫn đến tự tử hay uổng mạng vì tai nạn.

Loài quỷ thường bị đọa rất lâu, thời gian có thể tính là vô số, có khi đến hàng trăm hoặc hàng nghìn năm. Chẳng hạn những người chết đuối hoặc tai nạn, họ có thể nằm ở khúc sông ấy, đoạn đường ấy và đắm chấp như vậy hàng nhìn năm, trừ khi gia đình, người thân biết cách tu tập, hồi hướng, cầu nguyện và cầu siêu đúng cách để khai thị cho họ tỉnh ra mới có thể siêu thoát được.

Tiếp đó đến cõi Súc sinh, những loài sống xung quanh chúng ta như gà, lợn, vịt. Xong rồi đến cõi người, trên cõi người là cõi A Tu la. Cõi A Tu la gần với cõi Trời, tuy rất sung sướng nhưng lại suốt ngày chịu cảnh đánh nhau bởi tâm tật đố, ghen ghét, kiêu căng. Trên A Tu la là cõi Trời. Cõi trời cũng là một cõi vô hình nhưng tâm thức sống rất an lạc, hạnh phúc. Có điều hạnh phúc ấy chỉ giả tạm một thời gian. Sau khi hết phúc, chúng sinh cõi Trời lại bị đọa xuống các cõi thấp hơn.
Thông thường, chúng ta cầu siêu để nguyện cho ông bà, cha mẹ chúng ta nếu lỡ chẳng may đọa lạc ba cõi thấp, có thể nhanh chóng được giải thoát, siêu sinh lên các cõi trên an lành hơn.

Sức mạnh nào có thể cầu siêu?

Chư Tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, chuyên tâm tu niệm, thanh tịnh giới phẩm, tha thiết chú nguyện có năng lực rất lớn mà chính Phật đã nói rằng sức của một mình Ngài cũng không thể cứu được cho mẹ của ngài Mục Kiền Liên, phải nhờ đến sức chú nguyện của mười phương tăng chúng.
Khi đến với lễ cầu siêu, trước hết chúng ta nương công đức của Tăng chúng  để nguyện cầu cho người thân được siêu thoát. Song chúng ta không thể ỷ lại hoàn toàn trách nhiệm cho chúng Tăng. Các Phật tử là con cháu của ông bà, cha mẹ, tổ tiên, có liên hệ huyết thống và sự kết nối với tâm thức người đã chết. Họ sẽ chỉ liên kết với chính năng lượng tâm của các Phật tử, còn chúng Tăng chỉ mở rộng lòng từ, để năng lượng lòng từ bi được chan trải bình đẳng rộng khắp muôn nơi. Những người được cầu siêu có hưởng được sự lợi lạc từ những nguồn năng lượng này hay không, tùy thuộc vào sự kết nối về quan hệ huyết thống với con cháu trong buổi lễ. Chúng ta ngồi đây tụng Kinh cầu nguyện, tạo nên nguồn năng lượng tích cực bằng cái tâm chí thành chí kính. Bởi công đức tụng kinh, mỗi câu niệm Phật tạo nên trong không gian nguồn năng lực rất an lành. Với hàng trăm người quy tụ nơi đây, cùng nhau tụng cả bộ kinh, vô số năng lượng tích cực được tạo ra và quyện lại với nhau thành sức mạnh không thể nghĩa bàn. Nương công đức lớn lao tích lũy từ khóa lễ, chúng ta hồi hướng, gửi năng lượng an lành ấy tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên chúng ta.
 
Chư Tăng và đại chúng đồng chú nguyện, hồi hướng cho cha mẹ hiền tiền được tăng phước thọ, cha mẹ bảy đời quá vãng được siêu thăng nơi cảnh giới an lành. Ảnh: Trọng Hải 

Thế gian cũng có tục lệ, cứ đến tháng 7 âm lịch thì đốt thật nhiều vàng mã, sắm trâu ngựa, xe hơi nhà lầu gửi cho tổ tiên ở cõi âm. Việc làm này liệu có ích lợi gì chăng, khi hương linh chỉ tồn tại bằng tâm thức và phi hình tướng. Đến quần áo thật họ còn chẳng cần, huống chi quần áo giấy. Voi ngựa họ cũng chẳng cần, bởi tâm thức có thể di chuyển trong tích tắc để đến bất cứ nơi đâu. Ngay như chúng ta lúc này, thân đang ngồi đây, chỉ cần thoáng nghĩ đến Sài Gòn thì tâm đã ở ngay nơi đó. Vậy thì khi không còn bị trói buộc bởi xác thân, liệu họ có cần tới xe hơi, nhà lầu bằng giấy đốt?

Cũng có khi tháng cầu siêu này là mùa thế gian sát sinh mạnh nhất. Các gia đình giết gà vịt, làm cỗ linh đình để cúng tổ tiên. Song những đồ cúng này, hương linh tổ tiên ông bà chúng ta không thể nào ăn được, trừ khi nương thần chú của chư Phật, được dâng cúng đúng pháp với tâm thanh tịnh. Vì vậy, các gia đình nên hạn chế việc sát hại chúng sinh, thay vào đó hãy phóng sinh làm phúc hồi hướng cho gia tiên. Do vô minh hay tà kiến, chúng ta có thể đặt lòng hiếu thảo không đúng cách, thậm chí còn vô tình đẩy tổ tiên,ông bà, cha mẹ càng thêm lún sâu trong đọa lạc vì việc làm sai trái của mình.

Ý nghĩa cầu siêu nằm ở sự tích lũy công đức của chúng ta
 
Như vậy, ý nghĩa cầu siêu nằm ở sự tích luỹ công đức của chúng ta. Từ giờ đến ngày rằm, các Phật tử có thể tích lũy tất cả những năng lượng an lành, công đức thiện nghiệp, để hồi hướng và cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của mình. Có nhiều việc làm thiết thực các Phật tử nên thực hiện. Trong kinh Phật đã dạy, ngày rằm tháng 7, nhân ngày chư Tăng tự tứ, hãy thiết lễ trai nghi cúng dường thỉnh cầu chư Tăng chú nguyện hồi hướng. Chúng ta cũng có thể phóng sinh, làm từ thiện, cúng dàng Tam Bảo, giúp đỡ người nghèo khó, ấn tống kinh sách, chia sẻ những điều hay lẽ phải cho mọi người... và hơn hết, còn làm một người con trong gia đình, hãy thể hiện nếp sống hiếu đạo khi cha mẹ còn tại thế, chớ để khi cha mẹ qua đời rồi mới vội vàng đi cầu cúng, làm lễ.
 
 
(Tổng hợp)
 
Tham khảo: Thuvienhoasen.org / Drukpa Việt Nam / Chungta.com
 

Tin cùng chuyên mục