Ban Tôn giáo Chính phủ thăm và làm việc với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh



TLYT – Trong khuôn khổ chuyến làm việc của Ban Tôn giáo (BTG) Chính phủ với tỉnh Quảng Ninh, chiều ngày 24/6/2020 (tức ngày 4/5/Canh Tý) phái đoàn BTG Chính phủ đã về thăm và làm việc với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BTS GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh về tình hình áp dụng và thực hiện chính sách Pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng tôn giáo  tại địa phương.

 

Phái đoàn BTG Chính phủ do bà Nguyễn Thị Định – Vụ trưởng Vụ Thanh tra Pháp chế BTG Chính phủ làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện các Vụ Phật giáo, Vụ Công giáo Tin lành, Vụ Cao Đài và lãnh đạo Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh; đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Văn hóa và Thể thao, Công an tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đoàn làm việc tại Trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh có Thượng tọa Thích Đạo Hiển  - Ủy viên HĐTS, Phó trưởng ban kiêm Chánh Thư kí BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cùng Chư Tôn đức trong BTS và Văn phòng BTS Phật giáo tỉnh.

Thay mặt BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Thượng tọa Thích Đạo Hiển đã báo cáo sơ lược về tình hình Phật giáo Quảng Ninh trong những năm qua cũng như việc áp dụng chính sách Pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với Tín ngưỡng Tôn giáo của Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Thượng tọa, Quảng Ninh là một tỉnh có truyền thống Phật giáo lâu đời, đã hiện diện từ hàng ngàn năm trước. Đặc biệt, mảnh đất Quảng Ninh là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử - nền Phật giáo yêu nước của Việt Nam do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, gắn liền với những danh thắng nổi tiếng như Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm…  Hiện nay, thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh có hơn 160 tự viện. Trong hơn 15 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, số lượng Tăng Ni tăng vượt bậc, từ 36 vị buổi ban đầu cho đến nay đã có hơn 600 Tăng Ni đang tu hành. Phật giáo tỉnh trong 15 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phụ đạo yêu nước: từ các hoạt động tăng sự, giáo dục Tăng Ni, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện xã hội, công tác văn hóa, nghi lễ, trùng tu xây dựng, thông tin truyền thông, cho đến công tác kiểm soát, pháp chế…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 185.000 Phật tử đã quy y Tam bảo. Đặc biệt, BTS rất chú trọng đến công tác trùng tu, tôn tạo các di tích, làm tiền đề cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh. Các khu di tích lớn như Yên Tử, Ngọa Vân đã được BTS làm chủ đầu tư, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, kêu gọi công đức xây dựng, tôn tạo trở thành những nơi không những bảo tồn mà còn phát huy giá trị di tích rất lớn, làm nơi hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh; thu hút đông đảo Tăng Ni, Phật tử, tín đồ về tu tập và chiêm bái thánh tích. Không những thế, Phật giáo tỉnh còn được Nhà nước chấp thuận phát triển ra các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Trong những năm qua, BTS đã quy hoạch xây dựng nhiều cơ sở thờ tự như chùa Trúc Lâm Cô Tô, hiện nay đang làm chủ đầu tư tại chùa Trúc Lâm Đảo Trần, Chùa –Đền Xã Tắc (tại biên giới Móng Cái) và xây dựng chùa tại những địa phương miền Đông xa xôi mà chưa có cơ sở thờ tự Phật giáo. Điều này nhận được sự quan tâm rất lớn của các cơ quan chính quyền và sự ủng hộ rất lớn của tín đồ Phật tử.

Công tác giáo dục, đào tạo tăng tài được BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm. Hiện nay, tỉnh có hơn 70 vị đã tốt nghiệp cử nhân Phật học, trong đó 1 vị là tiến sĩ; 7 vị đang học hệ Thạc sĩ – Tiến sĩ Phật học, hơn 60 vị đang theo học hệ cao đẳng, cử nhân tại Học viện PGVN tại Hà Nội và 20 vị đang họcTrung cấp Phật học ở các tỉnh.

Công tác hoằng pháp ngày càng phát triển. Hiện tại các chùa lớn trong tỉnh đều thường xuyên tổ chức các khóa tu tập Bát quan trai, ngày an lạc, các buổi giảng pháp thu hút 500-1000 Phật tử tu học, nghe pháp như Chùa Trình – Yên Tử, chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Tiêu Dao, chùa Long Tiên, chùa Cái Bầu – Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, chùa Ngọa Vân. Các khóa tu mùa hè hàng năm tăng dần về số lượng cũng như chất lượng công tác tổ chức. Qua các khóa tu, các buổi giảng pháp, các giảng sư lồng ghép giáo lý Phật pháp cùng kiến thức xã hội, gắn kết việc tu học Phật pháp với việc xây dựng xã hội lành mạnh, an hòa, kêu gọi người Phật tử có ý thức bảo vệ môi sinh, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ trẻ em. Chỉ riêng từ đầu năm nay, do tình hình dịch bệnh nên các hoạt hoằng pháp tạm dừng và mới duy trì hoạt động lại.

Công tác từ thiện nhân đạo luôn được Giáo hội Phật giáo tỉnh quan tâm, phát huy truyền thống yêu nước, tương thân tương ái của Phật giáo Việt Nam đặc biệt là Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử: “Làm tất cả mọi việc có lợi cho cuộc đời này đều là tu đạo”. Vì vậy, Tăng Ni, Phật tử luôn tích cực hưởng ứng. Từ các việc như kéo điện lưới ra đảo Cô Tô, tham gia với chính quyền trong việc giải tỏa quy hoạch… cho đến các hoạt động xây nhà tình nghĩa, tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được Tăng Ni, Phật tử kêu gọi ủng hộ hàng năm với số tiền lớn. Chỉ riêng trong gần 6 tháng đầu năm 2020, số tiền kêu gọi ủng hộ cho công tác từ thiện, nhân đạo đã đạt hơn 6 tỷ đồng.

Tăng Ni trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối nghiêm chỉnh chính sách Pháp luật của Đảng và Nhà nước về Tôn giáo, tín ngưỡng. Việc hành đạo, tu đạo, thuyên chuyển, việc bổ nhiệm trụ trì, việc thông báo, đăng kí các hoạt động tôn giáo… thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng có một số vướng mắc trong việc áp dụng chính sách của Đảng, Nhà nước về Tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều địa phương chưa nắm bắt được luật tín ngưỡng tôn giáo, nên việc áp dụng chính sách pháp luật tại nhiều địa phương có một số điểm khác nhau. Đặc biệt, có những địa phương đưa ra những quy chế không phù hợp với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo. Điều đó làm cho một số Tăng Ni bức xúc. Ngoài ra có một số vướng mắc trong việc quy hoạch xây dựng chùa, nhất là việc cấp quyền sử dụng đất, điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình quy hoạch, xây dựng. Thượng tọa hi vọng rằng trong thời gian tới chính quyền các cấp quan tâm sâu sắc để giải quyết triệt để, đúng nguyện vọng, đúng nhu cầu của Tăng, Ni, tín đồ, Phật tử để công tác trùng tu xây dựng được tốt hơn.

Với truyền thống yêu nước, Tăng Ni và Phật tử trong tỉnh luôn đoàn kết, hòa hợp, xây dựng GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vững mạnh, cùng Đảng bộ và chính quyền xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển thịnh vượng, giàu đẹp.

Phái đoàn Ban Tôn giáo đã lắng nghe những báo cáo của BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và tiếp thu những khúc mắc của BTS Phật giáo tỉnh về việc áp dụng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là việc áp dụng Luật Tín ngưỡng – Tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Định đại diện phái đoàn đã tán thán những thành quả mà Phật giáo Quảng Ninh đã đạt được trong 15 năm qua: “Mặc dù Phật giáo tỉnh Quảng Ninh ra đời muộn nhưng đã phát triển vượt bậc trong những năm qua, trở thành địa phương có phong trào phát triển Phật giáo mạnh mẽ tại phía Bắc”  - bà nói.

 
Bà cũng hứa sẽ đốc thúc các cơ quan chính quyền tại Quảng Ninh quan tâm hơn nữa để giải quyết những khúc mắc của Tăng Ni, Phật tử; thực hiện đúng chính sách của Đảng và Nhà nước với tôn giáo để Phật giáo Quảng Ninh phát triển hài hòa trong lòng dân tộc.

Ban Truyền thông


Tin cùng chuyên mục